Những email khiến nhà tuyển dụng loại thẳng tay

Nhà tuyển dụng thường hay yêu cầu email xin việc để chọn lọc ứng viên trước khi phỏng vấn. Trước khi đọc qua CV của bạn, nội dung thư xin việc là thứ gây ấn tượng đầu tiên với nhà tuyển dụng. Để qua được vòng này, bạn cần thực sự nghiêm túc và đầu tư. Nhiều ứng viên đã sơ ý quên đi bước này, vô tình làm cho nhà tuyển dụng loại hồ sơ xin việc của bạn. Dưới đây là một số lý do, bạn cần nên chú ý khi viết email xin việc nếu không muốn email của mình bị nhà tuyển dụng loại.


Cẩn thận với tên email của bạn

nguoitinhmuadong@…, traitimbenle@…, maiyeuanh@… Là những email khiến nhà tuyển dụng “nổi da gà” khi đọc. Chúng gây mất thiện cảm ngay từ cái nhìn đầu tiên, nhà tuyển dụng sẽ đánh giá bạn không lịch sự, không nghiêm túc và không tôn trọng họ. Nhà tuyển dụng sẽ không bao giờ mở hồ sơ của bạn để xem trình độ, kinh nghiệm của bạn có phù hợp với công việc hay không.
Thay vào đó, hãy sử dụng những email theo tên của bạn như: nguyenvana@…, nguyenducb@… Để thể hiện sự chuyên nghiệp và nghiêm túc của mình.

Lưu ý tiêu đề email

Tiêu đề: “Fwd: …”, ” xin viec”, ” xin chao”, “CV”, (no subject), “ứng tuyển làm thêm”.
Bạn nghĩ sao về những tiêu đề trên? Viết tiêu đề với những thông tin thiếu, hay không phù hợp với mục đích và vị trí bạn ứng tuyển là điều “tối kỵ”. Hằng ngày nhà tuyển dụng nhận hàng trăm đến ngàn thư xin việc gửi về.  Không ai đủ thời gian hay kiên nhẫn để mở  mail từ những tiêu đề “trống rỗng” như thế.
nhung-email-khien-nha-tuyen-dung-loai-thang-tay-hinh-anh-1
Hạn chế những emai không có chủ đề hay thiếu nghiêm túc
Hãy để Nhà tuyển dụng biết rõ mục đích email của bạn ngay lúc mở mail. Tiêu đề cụ thể” Đơn xin ứng cử cho vị trí……” là lựa chọn sáng suốt để được xem xét ngay thông tin của bạn. Hãy để ý đến tiêu đề email nếu bạn không muốn nhà tuyển dụng loại bạn.

Tập tin đính kèm

Rất nhiều ứng viên bất cẩn đến nỗi quên đính kèm hồ sơ xin việc. Hay gửi một tập tin đính kèm định dạng không phố biến, tập tin yêu cầu mật khẩu… Những lỗi đó khiến nhà tuyển dụng loại thẳng tay email của bạn. Lời khuyên dành cho bạn là nên gửi những file có định dạng chung để dễ mở ở tất cả máy tính. Ưu tiên giảm dần theo PDF, Doc, nếu có nhiều file thì dùng Zip… nhưng tốt nhất là nên tổng hợp lại thành một tập tin để đỡ mất thời gian của nhà tuyển dụng xem xét.

Nội dung gửi nghiêm túc

Những nội dung như “Chào anh. Anh vui lòng xem tập tin đính kèm đầy đủ”, “Hi anh, Em đi lang thang và thấy tin tuyển dụng nên e nộp thử”… Là những email khiến nhà tuyển dụng không đọc tiếp đến câu thứ hai. Hãy đầu tư thời gian, công sức soạn một email thực sự nghiêm túc cho riêng mình. Nếu bạn viết một email xin việc một cách qua loa, hời hợt, thiếu sự đầu tư thì nhà tuyển dụng cũng sẽ đánh giá bạn thiếu nghiêm túc, qua loa, bất cẩn và không muốn hợp tác với bạn. Một gợi ý dành cho bạn: nếu không xác định rõ tên, giới tính chính xác của người phụ trách nhận hồ sơ, hãy ghi thông tin chung chung như ” Kính gửi công ty nhân sự” là hợp lý.
nhung-email-khien-nha-tuyen-dung-loai-thang-tay-hinh-anh
Hãy lưu ý trước khi gửi email nếu không muốn nhà tuyển dụng loại bạn

Phần thông tin liên hệ

Rất nhiều bạn chủ quan nghĩ thông tin liên hệ đã có sẵn đầy đủ trong hồ sơ đính kèm nên không cần liệt kê lại trong mail. Điều này không đến mức khiến nhà tuyển dụng “dị ứng” nhưng khiến họ đánh giá không cao khả năng tận dụng cơ hội của bạn.
Việc điền thông tin liên lạc vào email xin việc đảm bảo bạn có thể tạo mối liên hệ hai chiều với nhà tuyển dụng, ngay cả khi họ đã đọc file đính kèm của bạn, nhưng có ít thời gian mất công mở file để tìm lại thông tin của bạn.

Ảnh đại diện

Có thể bạn không tin, nhưng vẫn có nhiều ứng viên sử dụng hình ảnh thiếu chuyên nghiệp khi gửi ảnh đính kèm hồ sơ. Ứng tuyển vào vị trí nhân viên văn phòng, bạn không thể chọn hình ảnh đại diện đang mặc áo thun không cổ hay áo cộc tay. Hãy chú ý hơn đến trang phục trong bức ảnh bạn đang sử dụng để gửi email xin việc. Chụp ảnh đại diện với áo sơ mi sẽ tốt hơn với đại đa số tình huống.
Và, đừng quên gửi nụ cười thật tươi trong ảnh. Giữa hàng ngàn hồ sơ xin việc, nhà tuyển dụng nhìn thấy một ứng viên tươi trẻ, vui vẻ, chắc chắn sẽ tăng thêm hứng khởi khi xem xét hồ sơ của bạn.

 Chú ý ngôn ngữ viết trong email

Ngôn ngữ viết trong mail cũng đóng góp rất quan trọng tạo ấn tượng với nhà tuyển dụng. Ngôn ngữ sử dụng cũng không nên mang tính quá tiêu cực, vô vọng như ” đây là bộ hồ sơ thứ n của tôi gửi đi rồi” . Hay những câu mang tính cao ngạo, thách thức như ” tôi là một ứng viên đầy năng lực mà bất kỳ công ty nào cũng thèm khát”
Ngoài ra, việc không đọc và kiểm tra thư trước khi gửi là sai lầm khá nghiêm trọng của ứng viên. Hãy cẩn thận với lỗi ngữ pháp, chính tả nếu bạn muốn nhà tuyển dụng coi mình như một ứng viên chuyên nghiệp. Hãy đọc kỹ email xin việc hoặc nhờ ai đó xem lại trước khi bấm nút “gửi”. Nếu không email của bạn sẽ khiến nhà tuyển dụng loại nhanh chóng vì những lỗi cơ bản ấy.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét