Nhà tuyển dụng khai thác gì từ mạng xã hội của bạn?

Tham gia mạng xã hội là phương thức hiệu quả để xây dựng thương hiệu cá nhân. Chắc chắn chúng ta đều biết nhà tuyển dụng kết nối hoặc theo dõi mình qua mạng xã hội nhằm mục đích tìm hiểu ứng viên. Nhưng bạn có biết họ xem gì, đọc gì trên “nhà riêng” của mình, những thông tin đó có ý nghĩa gì với họ?
nha-tuyen-dung-khai-thac-gi-tu-mang-xa-hoi-cua-ban-hinh-anh-1
Tham gia mạng xã hội là phương thức hiệu quả để xây dựng thương hiệu cá nhân

Mọi thông tin đều được giải mã

Nhà tuyển dụng thường dùng mạng xã hội để tham khảo trước khi quyết định có phỏng vấn ứng viên hay không. Các chuyên viên nhân sự sẽ dùng mạng xã hội để tham khảo thêm thông tin mà trong CV (sơ yếu lý lịch) ứng viên chưa thể hiện hết, hoặc muốn che giấu.
Khi tiếp cận mạng xã hội, những gì ứng viên thể hiện đều được nhà tuyển dụng ghi nhận. Bà Bùi Thị Uyển Nhi, Phó trưởng phòng cấp cao phụ trách nhân sự – Công ty TNHH Panasonic VN, lấy ví dụ: “Ở các trang mạng xã hội nghề nghiệp, nhà tuyển dụng sẽ xem các vị trí ứng viên đã và đang đảm nhiệm để đánh giá kinh nghiệm chuyên môn; công ty cũ và hiện tại để xem ngành nghề nơi ứng viên tham gia có tương thích hoặc là đối thủ của mình; thời gian gắn bó với từng công ty để biết khả năng gắn kết của ứng viên với nơi làm việc. Đặc biệt, các thành tích sẽ là điểm nhấn giúp nhà tuyển dụng phân loại ứng viên sáng giá hơn so với những người còn lại”.
Nếu trang mạng nghề nghiệp nói rõ về kinh nghiệm, chuyên môn thì các trang mạng xã hội còn lại như Facebook, Twitter… lại là nơi thể hiện tính cách ứng viên rõ nét. Bà Nguyễn Tâm Trang, Phó chủ tịch phụ trách nhân sự Công ty Unilever VN, khuyên: “Tính cách của bạn liên quan chặt chẽ đến tác phong làm việc, vì vậy các nhà tuyển dụng có thể lưu ý những gì bạn thể hiện trên mạng xã hội. Một nhà tuyển dụng chuyên nghiệp ngoài việc phỏng vấn trực tiếp, thông thường sẽ chỉ tiếp cận mạng xã hội để tìm hiểu ứng viên tiềm năng sau khi xem xét kĩ việc tôn trọng tự do cá nhân. Họ sẽ không vội vàng kết luận chỉ vì bạn đã đăng một status, một bức ảnh làm xấu đi hình ảnh của mình mà sẽ đánh giá một cách toàn diện qua những lời bình luận của bạn về những điều tốt, điều xấu. Những khi bạn lạc quan hay chán nản. Qua những kiến thức bạn thể hiện, những gì người khác nhận xét về bạn và đặc biệt quan trọng là bạn bè của bạn. Bà Trang còn nói, cách chọn ảnh đại diện, giới thiệu bản thân, bình luận, phát biểu, những hội nhóm bạn tham gia… Tất cả đều phản ánh được sự năng động, tính thẩm mỹ, tính cách của bạn. Những điều này sẽ giúp các nhà tuyển dụng hiểu sâu và đánh giá mức độ phù hợp của bạn với công việc mà họ đang cần tuyển dụng.

Hữu xạ không tự nhiên hương

Trong khi có rất nhiều ứng viên tích cực chăm chút trang mạng xã hội làm “thay lời muốn nói” của mình với nhà tuyển dụng, cũng có không ít người cho rằng mình không cần thể hiện. Điều này xuất phát từ suy nghĩ mình giỏi ắt sẽ có người biết đến mình, Bà Uyển Nhi cho rằng các ứng viên cần chủ động nắm bắt và cập nhật những kênh tuyển dụng chiến lược, nếu không, vô hình chung họ sẽ tự hạn chế cơ hội thể hiện tài năng và sự cầu tiến của chính mình và từ đó đẩy họ ra xa với những cơ hội nghề nghiệp xứng tầm. “Người giỏi là biết thể hiện bản thân cho chừng mực và đúng chỗ. Bởi kể chuyện mình như thế nào cũng là một tài năng”, bà Nhi nói.
Một chuyên gia về tuyển dụng lao động cho biết sở dĩ có nhiều ứng viên còn hạn chế cập nhật hồ sơ, chia sẻ thông tin công việc, cá nhân vì họ e ngại sếp hiện tại. Bên cạnh đó còn có một bộ phận chưa hiểu được giá trị của mạng xã hội trong việc xây dựng thương hiệu cá nhân, chưa biết cách quảng bá bản thân, dẫn đến thông tin sơ sài không đủ hấp dẫn để được “lọt vào mắt xanh” của nhà tuyển dụng.
nha-tuyen-dung-khai-thac-gi-tu-mang-xa-hoi-cua-ban-hinh-anh-2
Nhà tuyển dụng thường dùng mạng xã hội để tham khảo trước khi quyết định có phỏng vấn ứng viên hay không
Ngược lại với những người thụ động, cũng có nhiều ứng viên tích cực quá mức cần thiết trong việc đánh bóng bản thân. Nhận định về nhóm này, bà Tâm Trang bày tỏ: “Nhiều bạn thích thể hiện bản thân với lượng thông tin phong phú bằng những lời hay ý đẹp, nhưng thực tế sau các buổi gặp mặt với nhà tuyển dụng họ đều không gây được ấn tượng về năng lực. Tính cách cũng không hoàn toàn đúng với những gì đã thể hiện trên mạng xã hội. Tôi nghĩ rằng, với hồ sơ mềm hấp dẫn, ứng viên có thể lọt qua được vòng loại. Nhưng vào sâu những vòng trong, đối diện với những chuyên viên nhân sự nhạy bén, hay giám đốc chuyên môn tinh tường họ sẽ sớm bị loại nếu kĩ năng, kinh nghiệm không đủ đáp ứng công việc”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét